What is the Endocannabinoid system?

<tc>Hệ thống Cannabinoid nội sinh là gì?</tc>

Dàn ý

  • Hệ thống cannabinoid nội sinh là gì? 
  • Các thụ thể cannabinoid
  • Các cannabinoid nội sinh
  • Enzyme phân giải cannabinoid 
  • Hệ thống cannabinoid nội sinh mất cân bằng
  • Ung thư

Hệ thống cannabinoid nội sinh là gì?

Hệ thống cannabinoid nội sinh (tiếng Anh là Endocannabinoid System, gọi tắt là ECS), là một hệ thống quan trọng có nhiệm vụ điều hòa nhiều hoạt động của cơ thể con người, bao gồm: cảm giác đau, các cử động, cảm xúc, quá trình tiêu hóa, trao đổi chất, các cơ chế miễn dịch, trí nhớ, sinh sản, chu trình tế bào, sự phát triển xương khớp, và nhiều quá trình khác nữa. Hoạt động ECS đã được tóm gọn lại vào năm 1998 bởi Giáo sư Di Marzo là, “nghỉ ngơi, ăn, ngủ, sự quên và tự vệ”.[1]

Có ba thành phần chính tạo nên ECS:

Các thụ thể cannabinoid

Các cannabinoid nội sinh

Các enzyme phân hủy cannabinoid.

Các thụ thể cannabinoid

Thụ thể Cannabinoid là mảnh ghép đầu tiên của hệ thống cannabinoid nội sinh phức tạp. Để hiểu về nó, đầu tiên, chúng ta cần hiểu thế nào là thụ thể. Thụ thể chính là các phân tử protein nằm trên bề mặt của tế bào hoặc trong tế bào để tiếp nhận một tín hiệu sinh học và từ đó tạo ra đáp ứng tế bào phù hợp với tín hiệu đó.

Để dễ hiểu hơn, hãy tưởng tượng bạn là nhân nhiên trong một công ty, với các tín hiệu sinh học đó như những lá thư, những email, hoặc các cuộc gọi điện thoại từ sếp của bạn. Vậy, thụ thể là gì? Chúng chính là hòm thư, máy tính hoặc điện thoại. Thụ thể có vai trò tiếp nhận, giải mã và truyền đạt thông tin. Nếu không có chúng, bạn sẽ không thể nhận được tín hiệu về công việc mà sếp bạn giao cho. Tương tự, cơ thể không thể tạo ra đáp ứng với cannabinoid nếu không có thụ thể phù hợp, hoặc sẽ đáp ứng sai nếu thụ thể bị rối loạn.

Trong hệ thống ECS, có hai loại thụ thể chính là thụ thể cannabinoid loại 1 (CB1, hay cannabinoid receptor 1) và thụ thể cannabinoid loại 2 (CB2, hay cannabinoid receptor 2). Các phân tử tín hiệu tác động lên chúng chính là các cannabinoid. Các cannabinoid này có thể là cannabinoid nội sinh, do chính cơ thể sản xuất ra, hoặc là các cannabinoid có nguồn gốc từ thực vật, hay còn gọi là phyto-cannabinoid.

Các thụ thể cannabinoid 1 (CB1)

CB1 hiện diện nhiều nhất ở não và được biết tới nhiều nhất với vai trò điều hòa và tác động lên hệ thần kinh. Hút cần sa là một cách để gây nên cảm giác “phê”. Thời gian sẽ có cảm giác chậm đi. Bạn có thể sẽ cười không ngớt, hoặc trở nên vô cùng sáng tạo và thích thú với các trải nghiệm âm nhạc, hoặc chỉ đơn giản là thẫn thờ ngồi một chỗ ngắm nhìn thế gian.

Nói đơn giản, hiện tượng này là sự thay đổi cảm nhận của bản thân về thế giới xung quanh cũng như thế giới nội tâm. Khi THC tác động lên CB1 sẽ tạo ra các hiệu ứng tâm lý đặc trưng của cây cần sa lên nhận thức, cảm giác và trí nhớ một cách ngắn hạn. “Ngắn hạn” nghĩa là mọi thứ sẽ trở lại bình thường khi cần sa hết hiệu ứng.

Ngoài hệ thần kinh ra, CB1 còn phân bố nhiều trong các hệ cơ quan khác. Nó điều hòa rất nhiều quá trình khác nữa chứ không chỉ mang đến tác động thay đổi nhận thức/ tâm trạng. Ví dụ, trong tủy sống và thần kinh ngoại biên, CB1 điều hòa sự đau, ngứa và trương lực cơ. Các thụ thể CB1 trong hệ tiêu hóa có vai trò trong việc đẩy thức ăn đi và sự tiết dịch.

Các thụ thể cannabinoid 2 (CB2)

Ngược lại với thụ thể cannabinoid loại 1, thụ thể CB2 không gây hiệu ứng thần kinh và thường được tìm thấy ở ngoài hệ thần kinh. Các thụ thể này nắm vai trò chính trong việc điều hòa miễn dịch, bao gồm quá trình đau và viêm.

Các thụ thể cannabinoid 3 (CB3)

Bạn có biết, mỗi khi bạn ăn đồ cay, bạn cũng đồng thời kích hoạt một phản ứng của hệ thống cannabinoid nội sinh?

Một thụ thể thứ ba, TRPV1 (transient receptor potential channel, vanilloid subfamily member 1), cũng có thể được coi là một phần của hệ thống ECS mặc dù ít được nhắc đến. Đây là một thụ thể đặc trưng cho vị cay của quá ớt, gây ra bởi protein capsaicin. Tác động lên thụ thể này sẽ có thể điều hòa cảm giác đau và viêm. Cannabinoid khi tác động lên TRPV1 cũng sẽ cho các tác dụng giảm đau, chống viêm, nhưng vì một lý do kỳ diệu nào đó, bạn sẽ không hề bị cay xè như khi ăn ớt.

Endo-cannabinoids

Như đã đề cập, các cannabinoid này không phải từ cần sa, mà là do chính bạn tạo ra!

Cơ thể chúng ta có khả năng tự sản xuất ra những hợp chất tác động lên thụ thể cannabinoid, được gọi là cannabinoid nội sinh, hay endocannabinoid. “Endo” có nghĩa là “bên trong” trong tiếng Latin, hợp lại thì chúng ta có “endocannabinoid” nghĩa là các cannabinoid được sản xuất từ trong cơ thể.

Tương tự, các phân tử cannabinoid có nguồn gốc bên ngoài như từ cây gai dầu/cần sa sẽ được gọi là cannabinoid thực vật, hay phytocannabinoid, với gốc từ “phyto” có nghĩa là “thuộc về thực vật”.

Có hai loại cannabinoid nội sinh chính, là arachidonylethanolamine (AEA), có biệt danh “anandamide” được lấy từ gốc ngôn ngữ tiếng Phạn có nghĩa là “hạnh phúc”, và loại thứ hai mang tên gọi 2-arachidonylglycerol (2-AG). Khi cơ thể thấy cần thiết, nó sẽ tự động sản xuất cannabinoid nội sinh nhằm đáp ứng với môi trường và chỉ huy các hoạt động của cơ thể. Các cannabinoid nội sinh này sẽ đi tới tế bào, nơi thụ thể cannabinoid có mặt và từ đó tham gia vào các chức năng của hệ ECS. Vậy nên, cho dù bạn có không hút cần sa đi chăng nữa, thì AEA và 2-AG cũng sẽ tự kích hoạt hệ thống ECS của bạn. Cảm xúc, tâm lý, cảm giác đau, sự đói, cân bằng nội môi… cùng rất nhiều hoạt động sinh lý khác trong cơ thể bạn đều chịu tác động của các cannabinoid nội sinh này.

Ngoài cần sa ra, một số loại cây khác cũng sản sinh ra cannabinoid nhưng chỉ ở một mức độ rất thấp.

Đã có hơn 113 loại cannabinoid được tìm thấy trong cây cần sa và gai dầu. Ví dụ Tetrahydrocannabinol (THC), Cannabidiol (CBD), Cannabinol (CBN), Cannabigerol (CBG)… là những cannabinoid điển hình chính thuộc nhóm phyto-cannabinoid.

Enzyme

Enzyme là thuật ngữ để chỉ một loại phân tử sinh học, thường là protein, có chức năng cắt, phân hủy hoặc làm biến đổi một phân tử protein khác.

Trong trường hợp này, các enzyme có nhiệm vụ phá hủy cannabinoid nội sinh (AEA và 2-AG). Nếu không có các enzyme này, các cannabinoid sẽ tác động liên tục vào thụ thể cannabinoid gây ra các đáp ứng quá mức, và điều này là hết sức nguy hiểm. Cơ thể chúng ta phụ thuộc vào quá trình phân giải này, song song với việc tổng hợp thêm cannabinoid mới khi cần để duy trì hàm lượng cannabinoid nội sinh trong cơ thể luôn ở mức độ vừa phải, phù hợp với nhu cầu.

Sự cân bằng chính là một khái niệm cực kỳ quan trọng của hệ thống ECS và liệu pháp cannabinoid. Quá nhiều hoặc quá ít cannabinoid nội sinh sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe. Tương tự, sử dụng quá nhiều cannabinoid trong liệu pháp cần sa y tế cũng có khả năng tạo ra các tác dụng phụ, hoặc thậm chí, đem lại tác dụng đối lập hoàn toàn so với một liều cannabinoid vừa đủ.

Hệ thống ECS ​​mất cân bằng

Trạng thái lý tưởng nhất của cơ thể chúng ta là khi hệ ECS hoạt động ở mức vừa đủ, nghĩa là lượng cannabinoid nội sinh được tổng hợp cũng như bị phân giải đi là cân bằng. Lúc này, chúng ta sẽ có được một trạng thái tâm lý tốt, không bị đau ốm và các quá trình sinh lý hoạt động một cách hiệu quả.

Như đã đề cập, hệ thống ECS có tác dụng điều hòa, có nghĩa là nó sẽ tăng cường hoặc ức chế cannabinoid một cách phù hợp, tùy thuộc vào tình trạng cơ thể hiện tại. ECS thường hoạt động quá mức khi các tình trạng tăng viêm, giảm mẫn cảm với insulin[3] và thậm chí là các bệnh về gan xảy ra.[4]

Ngược lại, nếu như mức cannabinoid nội sinh quá thấp thì sao? Đã có nhiều nghiên cứu và giả thiết cho rằng có nhiều chứng bệnh bí ẩn khác nhau được xếp vào danh mục “Tình trạng thiếu hụt cannabinoid nội sinh lâm sàng”, hay CECD, khi mà cơ thể không duy trì được một mức độ cannabinoid nội sinh tối thiểu vì một lý do nào đó. Các bệnh điển hình của tình trạng này là đau nửa đầu, đau xơ cơ và hội chứng ruột kích thích (IBS). Cả ba chứng bệnh này đều có thể được hỗ trợ hiệu quả bằng liệu pháp thu nạp cannabinoid từ thực vật.[5]

Ung thư

Cũng có nhiều dạng ung thư đi kèm với việc thụ thể CB1 và/hoặc CB2 bị biểu hiện hoạt động quá mức.[6] Đây được cho là một cách để cơ thể tự cố gắng chống lại bệnh tình của mình. Điều thú vị là, các cannabinoid thực vật cũng đã cho thấy khả năng chữa ung thư ở liều cao mà không hề làm ảnh hưởng tới các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.

Ung thư phát triển khi các tế bào bị đột biến, gây nên trục trặc trong quá trình phân chia tế bào, thành ra chúng phân chia một cách nhanh chóng không kiểm soát. Hoặc có thể, chúng bằng cách nào đó trở nên bất tử, không tự chết đi khi được yêu cầu. Như vậy, chúng nhân lên và phát triển, xâm nhập vào các mô xung quanh, kích thích hình thành mạch máu riêng của mình và thậm chí là di căn (lan ra các vùng khác xa hơn). Các cannabinoid nội sinh và thực vật, ví dụ THC lẫn CBD, có khả năng đảo ngược và ngăn chặn nhiều trong số các hiện tượng kể trên, theo như nhiều nghiên cứu trên các dòng tế bào ung thư khác nhau và kể cả dựa trên những ghi nhận ca bệnh thực tế đang ngày một nhiều hơn.

Ngoài việc đẩy lùi tế bào ác tính, các liệu pháp cannabinoid khi được thực hiện đúng cách còn có thể có tác dụng to lớn đối với việc giảm thiểu triệu chứng đi kèm của ung thư như: đau, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và lo âu.

Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu về cannabinoid và ung thư còn đang rất hạn chế, phần lớn do tình trạng bất hợp pháp của cây cần sa tại nhiều nơi trên thế giới. Hầu hết các nghiên cứu chỉ dừng ở mức thí nghiệm trên động vật hoặc các đĩa nuôi cấy tế bào. Mặc dù đã có nhiều kết quả khả quan, chúng ta vẫn chưa thể đi đến kết luận chính xác liệu cannabinoid có thể tiêu diệt được ung thư hay không, và nếu có, thì phác đồ điều trị phù hợp nhất là gì.

Tài liệu tham khảo

[1] Di Marzo et al., “Endocannabinoids: Endogenous Cannabinoid Receptor Ligands with Neuromodulatory Action.”

[2] Bisogno et al., “Molecular Targets for Cannabidiol and Its Synthetic Analogues: Effect on Vanilloid VR1 Receptors and on the Cellular Uptake and Enzymatic Hydrolysis of Anandamide.”

[3] Jourdan, Godlewski, and Kunos, “Endocannabinoid Regulation of β-Cell Functions: Implications for Glycaemic Control and Diabetes.”

[4] Bazwinsky-Wutschke, Zipprich, and Dehghani, “Endocannabinoid System in Hepatic Glucose Metabolism, Fatty Liver Disease, and Cirrhosis.”

[5] Russo, “Clinical Endocannabinoid Deficiency Reconsidered: Current Research Supports the Theory in Migraine, Fibromyalgia, Irritable Bowel, and Other Treatment-Resistant Syndromes.”

[6] Pyszniak, Tabarkiewicz, and Łuszczki, “Endocannabinoid System as a Regulator of Tumor Cell Malignancy – Biological Pathways and Clinical Significance.”

.
Quay lại blog