Cannabinoids - THC, CBD and more

<tc>Cannabinoid - THC, CBD và hơn thế nữa</tc>

Cannabinoids, tecpen và flavonoid là những hợp chất có giá trị y học cao được tìm thấy trong cây cần sa / cây gai dầu. Trong số đó, cannabinoid là những chất hoạt động trên hệ thống cannabinoid nội sinh (ECS) của chúng ta. Chúng được chia thành cannabinoid có nguồn gốc thực vật (phytocannabinoids) và cannabinoids nội sinh (endocannabinoids). Bạn có thể đọc thêm về cannabinoid nội sinh trong bài viết trước của chúng tôi: hệ thống cannabinoid nội sinh .

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cannabinoid thực vật.

Cannabinoid có nguồn gốc thực vật (Phyto-cannabinoid)

Phyto-cannabinoid là chất cannabinoid được tìm thấy trong thực vật. Ngoài cây cần sa và cây gai dầu, một số loại cây khác cũng có thể tạo ra chất cannabinoid, nhưng chỉ với một lượng rất thấp và không đáng kể so với cây cần sa / cây gai dầu.

Hơn 113 loại cannabinoid thực vật khác nhau đã được tìm thấy, mỗi loại đều có những đặc tính và giá trị y học độc đáo nhưng cũng có nét tương đồng, bổ sung lẫn nhau. Hiện tại, dưới đây là danh sách các cannabinoid đã được nghiên cứu nhiều nhất:

Tetrahydrocannabinol (THC)

Là hoạt chất chính trong cây cần sa nổi tiếng bởi khả năng gây tác động tâm lý, hay còn gọi là cảm giác “phê cần sa”, hoặc “high”. Khi hút cần sa và có cảm giác phê, đó chính là hiệu ứng của THC.

Rất khó để miêu tả cảm giác này, nhưng nói đơn giản, nó là sự thay đổi về cách các giác quan cảm nhận thế giới cũng như là độ tỉnh táo, nhận thức, khả năng vận dụng ngôn ngữ, trí nhớ ngắn hạn... Nó chính là lý do mà cần sa được sử dụng như một loại chất giải trí, chất thức thần, và cũng là lý do mà cần sa/gai dầu bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhiều người coi trạng thái phê cần sa là một thứ gì đó xấu xa, không tự nhiên, một trạng thái suy đồi tương tự như say rượu dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe và xã hội, bao gồm nghiện ngập và suy thoái đạo đức. Tuy vậy, ở một thái cực khác, trạng thái thức thần này cũng có thể được sử dụng như cánh cửa giao tiếp với thần linh trong các nghi lễ tôn giáo, hoặc để thư giãn, tỏa căng thẳng, nâng cao sáng tạo, khám phá bản thân…

Tác động tâm lý của THC có thể còn có một số tác dụng chữa lành đối với người bệnh, khi họ có thể nhờ trạng thái này mà giải tỏa được phần nào đau đớn, căng thẳng, lo âu. Trạng thái thức thần đôi lúc cũng có thế được dùng để xoa dịu sự sợ hãi đối với cái chết không thể tránh khỏi trong trường hợp bệnh nặng. Do vậy, không như say rượu, phê cần sa không hẳn đã xấu, nhưng nó thật sự cần được tiếp cận đúng cách. Đúng cách ở đây nghĩa là thận trọng, đúng thời điểm, đúng liều lượng và với kiến thức được chuẩn bị kỹ càng.

Ngoài đem lại trạng thái tác động tâm lý ra, THC còn có rất nhiều tác dụng y tế bao gồm: kháng viêm, chống oxy hóa, gây mê, chống lo âu, trầm cảm, chống nôn, chống co giật, bảo vệ thần kinh, gây buồn ngủ, chống ung thư, chống di căn… Mặt khác, THC cũng có thể gây ra các tác dụng phụ đối ngược lại một số tác dụng này, như việc nó cũng có khả năng gây ra lo âu, trầm cảm, nôn… nếu sử dụng quá liều, ở người mới sử dụng, hoặc người có cơ địa nhạy cảm với THC.

Cuối cùng, trái với hiểu biết của nhiều người, THC nói riêng và cần sa nói chung có khả năng gây nghiện thấp. Nhưng, thấp không có nghĩa là không có. Bạn hoàn toàn có thể bị phụ thuộc nếu quá lạm dụng THC. Nghiện cần sa được cho là có thể dẫn tới sự lười biếng, giảm hứng thú trong công việc và cuộc sống, giảm năng suất làm việc và nguy hiểm nhất là việc bạn có thể phạm pháp nếu sử dụng ở những nơi cần sa chưa được hợp pháp hóa.

Hãy thận trọng với THC!

Axit tetrahydrocannabinolic (THCA)

Loại cannabinoid này chính là tiền chất của THC. Khi mới thu hoạch, cây cần sa/gai dầu chủ yếu chỉ chứa THCA. Thông qua quá trình kích hoạt sử dụng các yếu tố thời gian, ánh sáng, hoặc dưới tác động của nhiệt độ, THCA sẽ chuyển thành THC. THCA không gây tác động lên tâm lý như THC, có nghĩa là nếu bạn ăn cần sa/gai dầu tươi, bạn sẽ không bị “phê”. Bạn sẽ chỉ phê nếu trong sản phẩm bạn tiêu thụ có một lượng tương đối THCA đã bị chuyển thành THC.

Hiện nay, các nghiên cứu về THCA còn hạn chế và chủ yếu chỉ được tiến hành trên động vật, nhưng THCA đã cho thấy khả năng chống nôn và chống oxy hóa ở mô hình chuột.[1] THCA cũng có khả năng chống viêm ở mức nồng độ cao. Ngoài ra, có nhiều bằng chứng giai thoại cho rằng THCA cũng có tác dụng đối với động kinh và có thể giảm đau do ung thư.

Tuy chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng THCA cho thấy tác dụng mạnh hơn đáng kể nếu như nó được sử dụng thông qua chiết xuất toàn phần so với sử dụng THCA dạng phân lập, tức là khi nó được sử dụng kèm với các cannabinoid khác.

Cannabidiol (CBD)

Cannabidiol (CBD) là một trong những cannabinoid thực vật đầu tiên được phát hiện, không gây ra tác động tâm lý như THC.

Trái ngược với THC - một chất hoạt hóa thụ thể CB1 và CB2, CBD có ái lực rất thấp với hai loại thụ thể này. Trên thực tế, CBD là chất ức chế điều hòa dị lập thể của CB1, tức là nó bám vào thụ thể này, không phải ở vùng hoạt động, mà là vùng điều hòa, nhằm điều chỉnh khả năng tác động của cannabinoid như THC vào thụ thể đó. Do vậy, CBD không những không gây cảm giác phê cần sa, mà còn có thể ức chế và điều hòa tác dụng của THC. Điều này có nghĩa là khi sử dụng một lượng dù rất nhỏ CBD, THC sẽ cho tác dụng y tế nhiều hơn, đồng thời giảm thiểu được các tác dụng phụ mà THC gây ra.[2]

Hơn thế nữa, CBD còn tham gia ức chế mạnh mẽ enzyme phân giải cannabinoid là FAAH, giúp tăng cường và kéo dài thêm hoạt động của các cannabinoid nội sinh, đem lại tác dụng giảm đau và giải tỏa căng thẳng.[3]

Ngoài tác động có phần gián tiếp lên hệ thống cannabinoid nội sinh, thì CBD còn tham gia tác động vào rất nhiều loại thụ thể khác nữa để điều hòa nhiều quá trình sinh học khác nhau, tiêu biểu như:

  • Thụ thể Serotonin 5HT1A (tác dụng chống trầm cảm). [4]
  • Thụ thể TRPV1 (tác dụng điều hòa đối với phản ứng đau và viêm). [5]
  • PPAR - thụ thể hạt nhân gamma (tác dụng: bảo vệ thần kinh, điều hòa trí nhớ và nhận thức, giảm đau, điều hòa cân bằng nội môi, nhạy cảm với insulin, chuyển hóa năng lượng. Thụ thể này cũng đóng vai trò quan trọng trong bệnh ung thư). [6]
  • Thụ thể mồ côi GPR55 (chống loãng xương và ung thư). [7]

Axit cannabidiolic (CBDA)

Tương tự như THCA đối với THC, CBDA là tiền chất của CBD. Thông qua quá trình kích hoạt sử dụng các yếu tố thời gian, ánh sáng, hoặc tác động nhiệt độ, CBDA sẽ chuyển thành CBD.

Cũng giống như CBD, CBDA đã cho thấy tác dụng giảm nôn ở chuột thông qua kích hoạt thụ thể serotonin 5HT1A, hoặc có thể là do chất này giúp giảm nhu động ruột.[8] Nhờ đó, các bệnh nhân ung thư đang trải qua hóa trị có thể thu được lợi ích khi sử dụng CBDA. Việc kích hoạt thụ thể serotonin 5HT1A cũng cho thấy tác dụng chống trầm cảm và giảm stress. Cụ thể, CBDA đã cho thấy tác dụng giảm stress ở mô hình chuột thí nghiệm.

Một số đích tác động khác của CBDA có thể được kể đến là: kích hoạt thụ thể TRPV1 (giảm đau và viêm), điều hòa các enzyme trong hệ cannabinoid nội sinh, ức chế cyclooxygenase (chống viêm).

Cannabigerol (CBG)

Loại cannabinoid thực vật này đang gây được nhiều sự chú ý của các nhà khoa học trong thời gian gần đây. Các nghiên cứu trên động vật thí nghiệm và trong ống nghiệm đã gợi ý rằng CBG có khả năng tăng sự thèm ăn, chống viêm, chống oxy hóa, kháng vi khuẩn, cải thiện tiêu hóa và phòng chống ung thư.

Cannabinol (CBN)

Hoa của cây cần sa/gai dầu có hàm lượng CBN rất ít, vì CBN chủ yếu được sản sinh ra không phải từ những quá trình sinh học trong cây, mà là do THC chuyển đổi thành khi tiếp xúc với oxy và ánh sáng trong một thời gian nhất định.

CBN được nhiều người cho rằng có hiệu ứng gây ngủ rất mạnh. Lý do là có nhiều người lưu trữ cần sa lâu ngày, khi hút họ cảm thấy hiệu ứng gây buồn ngủ mạnh hơn. Trên thực tế, các sản phẩm cần sa để lâu sẽ có hàm lượng CBN cao hơn.

Tuy nhiên, theo như Giáo sư Ethan Russo, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển tại Trung tâm Cần sa và Cannabinoid Quốc tế, hiệu ứng gây ngủ khi hút cần sa để lâu có thể do các hợp chất khác bị mất đi, chẳng hạn như các terpene, và hiệu ứng này bị gán nhầm cho CBN. Trên thực tế, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định CBN có tác dụng gây buồn ngủ, và dường như CBN chỉ đem lại hiệu ứng buồn ngủ khi kết hợp với THC.

Hiện nay, CBN đang được nghiên cứu về những tác dụng sau:

  • Giảm đau.
  • Kháng khuẩn.
  • Chống viêm.
  • Chống ung thư.
  • Tăng cảm giác thèm ăn.

Cannabichromene (CBC)

Tương tự như các cannabinoid ít được biết tới khác, CBC chưa được nghiên cứu nhiều. Tuy vậy, CBC đã cho thấy khả năng giảm hình thành chất béo và giảm viêm ở tế bào da người, từ đó gợi ý rằng loại cannabinoid này có thể giúp chống mụn. Ngoài ra, các thí nghiệm trên chuột cũng cho thấy khả năng giảm nhu động ruột, giảm viêm, giảm đau, chống trầm cảm. CBC cũng có thể có tác dụng kháng lại một số chủng vi khuẩn nhất định và chống ung thư.

Kết luận

Bên cạnh 7 cannabinoid này, còn có hơn 100 cannabinoids khác như cannabivarin (CBV), cannabinodiol (CBND), cannabielsion (CBE), cannabicyclol (CBL), cannabitriol (CBT) ... Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, các nghiên cứu về chúng vẫn còn rất hạn chế. Hy vọng rằng trong tương lai, khoa học sẽ nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này, giúp chúng ta khám phá ra tiềm năng lớn hơn và nhiều tác dụng y học hơn của cannabinoid nói riêng và cây cần sa/ gai dầu nói chung.

Tài liệu tham khảo

[1] Rock et al., “Tetrahydrocannabinolic Acid Reduces Nausea-Induced Conditioned Gaping in Rats and Vomiting in Suncus Murinus.”

[2] Russo and Guy, “A Tale of Two Cannabinoids: The Therapeutic Rationale for Combining Tetrahydrocannabinol and Cannabidiol.”

[3] Bisogno et al., “Molecular Targets for Cannabidiol and Its Synthetic Analogues: Effect on Vanilloid VR1 Receptors and on the Cellular Uptake and Enzymatic Hydrolysis of Anandamide.”

[4] Russo et al., “Agonistic Properties of Cannabidiol at 5-HT1a Receptors.”

[5] Muller, Morales, and Reggio, “Cannabinoid Ligands Targeting TRP Channels.”

[6] O’Sullivan, “An Update on PPAR Activation by Cannabinoids.”

[7] Ryberg et al., “The Orphan Receptor GPR55 Is a Novel Cannabinoid Receptor.”

[8] Bolognini et al., “Cannabidiolic Acid Prevents Vomiting in Suncus Murinus and Nausea-Induced Behaviour in Rats by Enhancing 5-HT1A Receptor Activation.”

Quay lại blog